Sáng ngày 13/6, rời Manali, Daman bảo đi sớm lúc 7h30 sáng để đỡ tắc đường. Từ thị trấn Manali, lái xe ven theo con đường nhỏ dẫn đến những bản làng ở sâu hơn, trên đường đi có rất nhiều vườn táo ra quả to bằng 3 ngón tay, Daman bảo đến tầm tháng 7 táo sẽ chín và có 2 màu vàng và đỏ. Tiếc quá, mình chưa bao giờ có trải nghiệm được vào vườn để hái táo. Đi qua những bản làng cũng thấy Manali cũng khá xinh đẹp, nghĩ lại thấy cũng có nhiều lý do để khách du lịch đến đây. Bắt đầu vào mùa đông, tuyết sẽ rơi phủ trắng khắp lối đi, mọi người đến thung lũng Solang để trượt tuyết. Manali đông đúc ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất yên bình ở những khu vực ở xa. Bao quanh Manali là núi tuyết phủ trắng từ trên đỉnh núi. Tuyết tan, tạo thành những dòng nước suối nhỏ chạy dọc theo triền núi đá.
Bọn mình lái xe lên dần những đỉnh núi tuyết này đến một nơi gọi là Jispa. Ở Jispa không có sóng điện thoại, cũng không có mạng internet. Từ Manali đến Jispa 3 tiếng lái xe, qua Atal tunnel, một trong những đường hầm qua núi dài 9km. Daman bảo đây vẫn chưa phải là đường hầm xuyên núi dài nhất của Ấn độ, ở Kashmer, có đường hầm dài hơn 9km, và chính phủ Ấn độ đang xây dựng một đường hầm khác dài tầm 11km. Đại cảnh của những ngọn núi Himalaya trải dài ra trước mắt. Chưa khi nào mình thấy thiên nhiên hùng vĩ đến thế. Tất cả chỉ có thể thu vào mắt nhìn, vào ký ức, mà không có loại camera nào có thể lột tả hết được sự vĩ đại của nơi này.

Lên dần lên cao bắt đầu cảm thấy đầu óc hơi quay cuồng, do ảnh hưởng của độ cao, mà sáng nay mỗi đứa đã uống một viên thuốc chống say độ cao. Tất cả những gói mì của mình mang đi tự nhiên căng phồng như những quả bóng bởi vì thiếu ô xy. Độ cao 3.200 m trên mực nước biển, tương đương với độ cao của Leh. Cứ đi bộ được 1-2 bước chân là phải dừng lại thở, tay thì tê và run vì không có máu tuần hoàn. Bạn mình đi cùng cả đêm nôn thốc nôn tháo, sáng hôm sau người mệt rũ. Vì cần phải có thời gian làm quen dần với độ cao và sự thiếu hụt ô xy nên bọn mình dành một đêm để nghỉ ngơi ở Jispa. Daman book trước khu lều ngoài trời. Lều được set up khá đầy đủ và thoải mái. Có 2 giường đơn, được trải thảm, có nhà tắm, nhà vệ sinh. Chỉ có một điểm là không có nước nóng, nên nếu muốn tắm gội thì sẽ cần yêu cầu để người phục vụ mang đến cho một xô nước nóng. Và chỉ nên tắm gội vào buổi trưa khi có ánh nắng mặt trời sưởi ấm, vì nước từ vòi lúc nào cũng lạnh cóng như băng.

Buổi chiều, dành thời gian đi lang thang và khám phá các bản làng xung quanh. Gọi là bản làng, nhưng mỗi khu dân cư này chỉ có vài ngôi nhà, một số ngôi nhà cũng bị khóa cửa. Người dân hầu hết đã chuyển đến các thành phố lớn của Ấn độ để sinh sống. Ở khu vực này mùa hè vào tháng 5, tháng 6 và 7 nhiệt độ tầm từ 1-2 độ C vào buổi tối, ban ngày nhiệt độ từ 10-15 độ C. Còn vào mùa đông nhiệt độ có thể xuống đến âm 40 độ, một số con đường sẽ bị đóng do tuyết rơi dày, do đó sẽ không có đường giao thông đến được những vùng khác, có nghĩa là cuộc sống ở đây sẽ biệt lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống quá khắc nghiệt, nên chỉ có một số người còn sinh sống ở đây. Chúng mình dành thời gian đi nhặt những viên đá nhiều màu sắc và họa tiết suốt dọc đường đi. Có rất nhiều những hòn đá thiêng được khắc kinh Tạng ở khắp nơi. Người dân tin vào tôn giáo Tây Tạng, treo cờ lungta nhiều màu sắc tung bay trong gió. Lúc đầu mình nhìn qua qua, cứ nghĩ cờ lung ta có màu sắc của cờ Ấn Độ, nhưng không phải. Cờ lungta có nhiều thông điệp, kinh nguyện, người dân sẽ thay cờ mỗi năm một lần.

Buổi tối nhiệt độ xuống 1-2 độ C, lạnh cóng, bọn mình có bữa ăn khá đầy đủ tại khu nghỉ. Khu lều set up buffe với nhiều món ăn đa dạng. Trong các món mình thích nhất món tráng miệng được nấu từ sữa với một loại vermishil, làm từ tinh bột mì, đã được chiên khô. Một vị ngọt thanh nhẹ, dễ chịu khác biệt hoàn toàn với các loại bánh tráng miệng mình đã từng ăn ở Ấn, hầu hết là rất ngọt. Cuối cùng mấy đứa thưởng thức món trà nóng của người địa phương ở Jispa – Seabuckthon, vị trà hơi chua, được làm từ một loại quả lên men, mình thấy có vị hơi giống món nước mơ của Việt Nam. Theo như bác chủ khu này, trà này đặc biệt tốt cho sức khỏe.

