NHỚ ẤN ĐỘ

Sân trường EDII

 

 

 

 

Nếu được hỏi nơi nào để lại nhiều kỷ niệm nhất, muốn quay trở lại nhất và nhớ nhiều nhất thì đó phải là Ấn Độ rồi. Bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ấn tượng vẫn ở đó hết mà.

Trước Ấn Độ mình cũng đã đi Australia, nhưng chỉ sau chuyến đi này mình mới trưởng thành lên rất nhiều, tự tin và học hỏi được rất nhiều từ bạn bè quốc tế.

Ấn Độ rất lạ, rất đặc biệt, vừa yêu lại vừa ghét.

Mình đi Ấn Độ vào tháng 7/2012, tham gia một khóa học ngắn hạn 60 ngày. Chương trình này là học bổng của Chính phủ Ấn Độ dành cho công dân Việt Nam, được gọi là học bổng ITEC. Giống như một chương trình trao đổi văn hóa giữa các quốc gia. Lớp mình học chỉ có duy nhất mình là người Việt, còn lại hơn 20 bạn đến từ các quốc gia khác nhau, chủ yếu là châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Lần đầu tiên mình bước ra ngoài thế giới và tiếp xúc với tất cả các nền văn hóa khác nhau, vừa thú vị, vừa lạ lẫm, vừa bối rối.

Bay từ sân bay Nội Bài, transit qua sân bay Changi của Singapore, sân bay Mumbai rồi đến sân bay Ahmedabad, lần đầu tiên đi lòng vòng đến thế. Vừa đến sân bay là đã có nhân viên của trường đến đón.

Mình học ở EDII (Entreprenuer Development Institute India) http://http://www.ediindia.org/, đây là học viện tư nhân, do các các nhà đầu tư, các giám đốc ngân hàng lớn của Ấn Độ đầu tư. Học viện này khá uy tín và chỉ đào tạo trình độ thạc sỹ, ngoài ra thường xuyên có các khóa sinh viên quốc tế như bọn mình. Lần đầu tiên bước vào lớp, mỗi đứa một kiểu, mình ăn mặc tử tế nhất, mấy đứa châu Mỹ hôm nào cũng diện quần alibaba với áo hai dây đến lớp. Mấy bạn châu Phi thì có mấy bộ quần áo truyền thống nhìn cũng hay hay.  Mỗi một bạn đến từ các quốc gia khác nhau, nền văn hóa khác nhau, phong tục tập quán khác nhau.

Ngày xưa 2012 ở cổng trường

EDII ở thành phố Ahmedabad, thuộc bang Gurajat, nằm ở phía Tây của Ấn Độ. Phần lớn người dân ở đây ăn chay trường. Toàn bộ bang cấm buôn bán các loại bia, rượu, chất kích thích nên khu vực này rất an toàn. Tuy nhiên, là sinh viên quốc tế nên bọn mình được nhà trường quản lý rất chặt chẽ, việc xin ra khỏi khu vực của trường phải có giấy xin phép và cũng rất hạn chế. Hàng tuần, nhà trường sẽ bố trí xe cho cả lớp đi ra ngoài chơi vào cuối tuần hoặc vào các buổi tối để mua sắm.

Mình ở chung một phòng với bạn Yara Abreu, bạn đến từ một hòn đảo nhỏ, ở châu Phi, thật ngượng vì mình chưa nghe đến quốc gia này bao giờ. Vừa vào phòng là đã thấy đậm phong cách Ấn Độ, cách trang trí, khăn trải bàn và các vật dụng trong phòng. Có hai giường được bố trí hai bên phòng, ở giữa là bàn tiếp khách, TV. Hàng ngày có người dọn dẹp vệ sinh.

Trong trường cũng bố trí nhà ăn riêng cho các sinh viên quốc tế. Các món ăn ở đây khá đa dạng, vừa có đặc trưng của người Ấn, vừa Tây Âu. Lúc đầu mình lo không ăn được đồ ăn vậy mà tuần sau đã tăng lên mấy kg, bắt tội sáng nào cũng phải dậy chạy bộ xung quanh trường. Các bữa ăn đều là buffe, thường sẽ có 3 món thịt, phổ biến là cừu, gà và cá, còn lại là các món rau, các loại mỳ, pasta… Ở đây thời gian biểu khác nhiều so với bên mình, 10h sáng vào học, học đến 2h chiều thì nghỉ ăn trưa, rồi học tiếp đến 6-7h tối. Giờ ăn tối theo đó cũng từ 8h-10h. Giờ ăn không khoa học nên người Ấn ai cũng béo là vậy, cộng thêm chế độ ăn toàn dầu mỡ, đường, muối và rất nhiều loại gia vị khác nhau.

Trước khi đến Ấn Độ mình được nghe rất nhiều về nghèo đói, về phân biệt giai cấp, đến đây mới tận mắt chứng kiến. Mọi thứ rõ ràng đến ngỡ ngàng. Người giàu thì rất giàu mà người nghèo thì la liệt ngoài đường. Đi bất cứ nơi nào, dọc hai bên đường cũng thấy lán, trại, lều tạm của người dân nghèo, giữa cái nắng, cái mưa, cái rét.

Xã hội Ấn Độ vốn có sự phân biệt giai cấp vô cùng rõ ràng, và cũng vô cùng khắc nghiệt do chịu ảnh hưởng từ Hindu giáo. Theo truyền thống, tại đây tồn tại 4 giai cấp xã hội chính xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Bạn có thể nhìn rất rõ sự phân biệt qua cách giao tiếp hàng ngày giữa những con người này. Trong trong trường những người dọn dẹp vệ sinh là tầng lớp thấp nhất. Khi giao tiếp họ sẽ phải cúi người và khoanh tay trước tầng lớp khác. Mình vẫn nhớ hình ảnh sáng nào cũng có một bác, đã rất già thu dọn cho sân trường, bác quét rác, ngắt tỉa những bông hoa héo, đảm bảo khuôn viên trường lúc nào cũng phải sạch, xanh và thơm ngát. Sáng nào bác cũng ngắt một vài chùm hoa nhài và đưa cho mình vì mình hay dậy sớm tập thể dục và quan sát bác làm việc, bác cũng cúi đầu như thế. Trong trường tầng lớp cao nhất là các giáo sư. Các giáo sư của trường được mời về giảng dạy từ các địa điểm khác nhau của Ấn Độ hoặc ở các vùng lân cận. Những người trợ giảng, hay văn phòng ở trường thuộc tầng lớp thứ 2. Trong quan hệ xã hội, chỉ những người thuộc cùng tầng lớp mới giao tiếp với nhau, trong hôn nhân cũng chỉ chấp nhận hôn nhân do gia đình sắp xếp. Một xã hội cực kỳ hà khắc và những quy định cực kỳ vô lý như thế vẫn tồn tại từ đời này sang đời khác. Từ cộng đồng Ấn Độ này sang cộng đồng Ấn Độ khác, kể cả bạn có đi sang Malaysia, Indonesia, Singapore hay bất kỳ quốc gia nào có cộng đồng người Ấn ở, những tập tục, nguyên tắc này vẫn không hề thay đổi.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *