Xuống sân bay Pleiku đã cảm nhận rõ cái lạnh, ngoài trời mưa lâm thâm, tự nhủ vừa xuống sân bay trời đã mưa, cân nhắc có nên đợi hết mưa mới vào thành phố không. Đúng là mình không hề có khái niệm gì về mùa mưa ở đây. Cứ nghĩ đơn giản giống Sài Gòn thôi, chợt mưa, chợt nắng. Ở đây 4 hôm mới thấy thấm thía thế nào là mưa Tây Nguyên.
Cảm giác đầu tiên là cái lạnh, lạnh như mùa đông Hà Nội. Mang một cái áo khoác mỏng không đủ chống lại cái rét ở đây, ra đường nhìn ai cũng mặc áo dạ, áo lông. Cảm giác ấy rõ nhất khi thức dậy lúc sáng sớm và lúc đêm muộn, đúng là co ro không đủ ấm.
Cảm giác thứ hai là hoa sữa, mình thích hoa sữa, nhất là hương hoa sữa trong những đêm lạnh, lãng đãng mưa phùn như thế này. Cảm giác cứ muốn đi mãi, vòng quanh thành phố nơi có hương hoa sữa thoảng qua và để những hạt mưa bụi làm lạnh cóng cả hai má.
Cảm giác thứ ba là nhịp sống của người dân nơi đây. Có lẽ mọi người đã quá quen thuộc với những ngày này, mưa, lạnh không ảnh hưởng gì đến nhịp sống. 7h sáng đã có rất nhiều khách ở quán cafe rồi, ai cũng gọi ly đen đá, ngồi trầm ngâm và thưởng thức ngày mưa.
Mình có những người bạn mới ở đây, ai cũng thật đặc biệt, là chị Lee, là Xíu, là Ken, là Nam, là anh Men, là Diệu….
Mọi người sống có lý tưởng, và vì đam mê của mình. Chị Lee như người chị lớn, đảm đang, mà mình học được chị cách sống thật đơn giản, chẳng cần phải quan tâm người khác nghĩ về mình thế nào.
Là Xíu thật dễ thương như khuôn mặt của em ấy, cách em ấy chào đón mình như một thành viên trong đội.
Là Ken, là Nam những thành viên của hội BCS (Ba con sói), sống phong cách và hết mình.
Là anh Men với những hiểu biết thật rộng về cuộc sống, về nền văn hóa Tây Nguyên nơi anh sinh ra và lớn lên, là những ý tưởng để xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn.
Là Diệu cùng gia đình em ấy, sự quan tâm, chu đáo và sự đón tiếp nồng hậu của gia đình giành cho mình là những ấn tượng thật đẹp ở Kon Tum.
Chẳng phải vì cảnh sắc gì đặt biệt, chỉ vì những người bạn đặc biệt này thôi đã đủ kéo mình quay lại Kon Tum nhiều lần nữa.
Cảm giác thứ tư là cà phê Tây Nguyên. Mình không hay uống cafe nên rất ít để ý đến có những loại cà phê nào, hương vị ra sao. Cà phê Tây Nguyên thật đặc biệt, nhiều loại, nhiều nhãn hiệu mà lần đầu mình được biết, mỗi một loại lại có vẻ đặc trưng riêng. Mình thích cafe vị đắng và thơm nồng. Nhớ thật nhiều vị cà phê chị Lee pha cho mình sáng hôm ấy.
Nhà thờ gỗ ở TP. Kon Tum
Cảm giác mình thật may mắn khi được đến Tây Nguyên và cảm nhận Tây Nguyên vào những ngày mưa.
MỘT VÀI TIP NHỎ
Các bạn nên chú ý chọn mùa đi Tây Nguyên. Vào mùa khô sẽ thuận lợi cho các bạn thích chụp ảnh, check in. Nhiều địa điểm nổi bật như hoa dã quỳ, hoa ca phê, rừng cao su thay lá, biển hồ….Ở Pleiku có nhiều núi mà dân thích leo núi có thể khám phá và ngủ lại trong lều.
Từ Pleiku đi lên Kon Tum rất thuận lợi, các bạn chỉ cần bắt xe bus từ thành phố. Giá xe bus có 22.000 đ, khoảng 1h đi.
Giá thuê xe máy ở Pleiku cũng như Kon Tum khá cao: 150.000 đ/xe
TP. Kon Tum nhỏ, có một số điểm tham quan như Nhà Thờ Gỗ, Cầu Treo, Nhà Rông. Đặc biệt các bạn không nên bỏ qua quán cà phê Indochine. Quán cafe được thiết kế với ý tưởng gió và nước bằng vật liệu mây tre của Việt Nam, được giải thiết kế của thế giới. Thật sự đẹp và rất ấn tượng.
Ngoài ra, cách trung tâm thành phố Kon Tum 50km là khu nghỉ dưỡng Măng Đen rất đáng để đi
Quán cafe Indochine – TP. Kon Tum
Về đồ ăn ở Tây Nguyên
Mình đi vào đúng mùa mưa nên được thưởng thức món măng tuyệt ngon ở đây, giòn và ngọt.
Ngoài ra, còn có rất nhiều món đặc biệt, nhớ nhất là món bún mắm cua ở chợ đêm Thành phố Pleiku, món bún nước ở Tp. Kon Tum, món bánh cuốn mà thực chất là món bánh tráng cuốn, và món bánh tai vạt.
Bánh cuốn – Tp. Kon Tum