BALI RẤT KHÁC

Ngày 1: Chủ yếu là di chuyển

Từ Hà Nội – Kuala lumpur – Bali. Tổng cộng 6 tiếng trên máy bay và 2 tiếng transit tại sân bay KL2.

Đợt này mình đi Bali theo cả nhóm nên chẳng chuẩn bị một thông tin gì về Bali, ỷ là trong nhóm có đến 2 bạn người Bali luôn nên để cho các bạn lập plan.

Nhìn plan của các bạn chẳng thấy phải lo gì hết, chúng nó đã có cả lịch ăn sáng, uống cafe ở đâu, điểm ngắm mặt trời lặn, vân vân và vân vân…

Đây là nhóm couchsurfing của mình, có hơn 100 bạn ở tất cả các quốc gia trên thế giới, hàng ngày đều liên lạc với nhau, mỗi năm sẽ chọn 1 địa điểm trên thế giới để gặp nhau. Tính đến thời điểm này thì chúng nó toàn chọn các địa điểm ở châu Á (Đảo Koh phagan – Thái Lan; Núi Himalaya – Ấn độ và năm nay là Bali).

Tại show diễn của Ras

Cả nhóm đã book phòng ở Villa chandra, mình sẽ ở đây 3 tối, share phòng với Hannal – một bạn nữ người Malaysia, hiện sinh sống ở Singapore.

Hannal rất dễ thương, đây là lần đầu tiên gặp bạn ấy. Có rất nhiều bạn mới trong nhóm mà mình không biết. Thời gian này quá bận nên mình ít theo dõi và nói chuyện thường xuyên với các bạn trên group chat.

Hannal là dân desinger thứ thiệt, hiện đang làm cho một Agency ở Singapore. cũng khá nổi tiếng vì làm nhiều dự án lớn như thiết kế không gian các sự kiện ở sân bay Changi – Singapore.

Như mình được biết, thị trường lao động ở Singapore cực kỳ khắc nghiệt, liên tục đào thải, chỉ những ai thực sự xuất sắc mới trụ lại được.

Ở các nước lân cận Singapore như Malaysia, Indonesia, hay Phillippine, các bạn di truyền đến Singapore sinh sống và làm việc rất nhiều, cảm giác Việt Nam chưa thực sự tham gia sân chơi lao động rộng lớn này.

Hannah – Singapore

Ngày đầu tiên đến Bali, mình book một dormitory ở Kuta, khu vực này rất sôi động và sầm uất, như khu phố cổ ở Hà Nội vậy, từ khách sạn Cara Cara Inn có thể đi bộ ra bãi biển Kuta.

Ngày đầu tiên đến Bali, thời tiết hơi se lạnh, về đến khách sạn thì cũng đã 9h tối.

Từ sân bay về khách sạn mình book car của Klook.com, rất thuận lợi vì nhân viên của Klook ra tận sân bay đón, ngoài ra mình cùng mua sim online qua klook. Dịch vụ của Klook rất ổn mà giá cả phù hợp. Mình được biết Klook đã có mặt ở hầu hết các nước châu Á với toàn bộ các dịch vụ như đưa đón sân bay, sim card, các tour… Khách hàng đều có thể đọc các review về các dịch vụ này trước khi book và thanh toán bằng thẻ Visa.

Các bạn cũng lưu ý việc đi taxi từ sân bay về thành phố rất đắt, còn muốn đi grab hoặc go-rek thì phải ra khỏi hẳn khu vực của sân bay.

Về vấn đề đi lại thì mình thấy ở Bali cứ như ở Hà Nội, đi Grab hoặc Go-rek rất thuận lợi, mà tốt nhất các bạn chỉ nên book bike vì đường xá ở Bali quá nhỏ, như đường làng của mình vậy, lúc nào cũng kẹt xe. Mình nói đùa mấy đứa bạn ở Bali, ở đây chắc chúng mày dành tới 1/3 cuộc đời chỉ để chờ đợi.

Đến khách sạn, mình tắm xong rồi chạy luôn qua quán Bar nơi Ras có lịch biểu diễn hôm nay.

Hôm nay đã có Ras, Sanae, Meher, Wessim, Iman, Nad, Jeff, Nettia và hai người bạn của Ras từ Brazil  Gặp lại các bạn thật vui.

Cùng với Ras và nhóc Wessim

Ras chuyên hát nhạc Jaz, thằng Daman lúc nào cũng trêu bảo đấy là dead music, vì Daman là DJ, chỉ hay thích các thể loại nhạc điện tử.

Ras có giọng hát rất nồng ấm và tình cảm, hôm nay là show riêng của bạn ấy.

Bọn mình ngồi nói chuyện đến 11h tối, mình hơi mệt vì cả ngày chỉ có di chuyển trên đường.

Ngày 2: Mình không có kế hoạch cho ngày hôm nay, chiều sẽ di chuyển về Chandra Villa, ở Symiak, sáng nay free ở khu vực Kuta này.

Ăn sáng ở Cara Cara Inn khá ngon.

Mình đi một vòng với Nads và Iman, sau đó hai bạn đi học lướt ván, rủ mình nhưng mình không đi, vì mình nghĩ học ván 1 hôm thì chưa ăn thua gì cả, học 1 tháng thì may ra biết một chút. Ở Bali có nhiều bãi biển rất phù hợp để học lướt ván với những con sóng rất lớn.

Rất nhiều du khách từ các quốc gia đến Bali chỉ vì đây là nơi lý tưởng để lướt ván, đặc biệt là du khách Austrailia vì rất gần Bali.

Mình tự đi khám phá Kuta một mình.

Kiến trúc ở Bali có một đặc điểm rất riêng biệt, các ngôi đền đều có một màu đen, các cổng ra vào đều có cùng một kiểu, 1/2 tháp dọc ở hai bên. Ngoài ra, không biết có phải mình đi vào dịp lễ gì đặc biệt không, nhưng ở khắp các con đường, ở khắp các căn nhà đều có cây giống như cây nêu ở Việt Nam, được làm bằng tre, và có trang trí bằng các hình thủ công được đẽo gọt từ chính thân của cây tre.

Vì không lập kế hoạch gì cho chuyến đi, nên thực sự mình cũng không biết ở Bali có những địa điểm nổi tiếng nào. Chỉ nhớ mang máng vài địa điểm trong tranh ảnh, đầu tiên là bãi biển, ruộng bậc thang, và hình ảnh đền thờ mặt trời ở giữa biển..

Xin ở khách sạn một bản đồ nho nhỏ về các địa điểm ở đây, search grab thấy chi phí đi không quá đắt nên mình quyết định đi Tanah Lot.

Không nghĩ đi Tannah Lot lại xa khu vực Kuta này đến thế, gần 50km, mình ngồi xe grab bike ê mông mà không thấy đến nơi, mà xa quá nên anh lái xe cũng không rành đường, vừa đi vừa hỏi đến chục lần.

Đi grab bike có thuận lợi là ngắm nhìn được thật rõ quang cảnh trên đường đi, từ trung tâm Bali đến khu vực ngoại thành. Với mình, Bali cũng yên bình lắm, mình có cảm giác, sự đắt đỏ, xa hoa chỉ ở khu vực trung tâm và chỉ cho một số người nước ngoài kinh doanh nhà hàng khách sạn ở đây. Còn lại người dân địa phương vẫn có cuộc sống trung bình, hàng này làm công việc nhà nông, do đó ở đây vẫn còn chút gì đó lưu lại sự yên bình của làng quê với cánh cỏ trắng, ruộng lúa bậc thang xanh mướt.

Tannah Lot là một ngôi đền thiêng của Bali, thu hút rất nhiều du khách, với ngồi đền nằm ngoài bãi biển, và hình vòm cung do các vách đá tạo ra giữa biển tạo ra một cảm giác rất đặc biệt khi đến đây ngắm hoàng hôn vào buổi chiều tối.

Khách du lịch đến đây rất đông, trong một ngày thời tiết hơi âm u nên mình không nán lại ở đây lâu.

Một lúc sau lang thang ra ngoài mua một số vật lưu niệm, ấn tượng nhất là mấy cái Catcher dream, đợt này đi Bali mua rất nhiều về decor nhà.

Đến 2h chiều thì mình cũng về lại Kuta, thu dọn đồ để chuyển đến Chandra villa.

Hầu hết mọi người đã check in khách sạn, cùng hẹn nhau 5h chiều qua Lala guna ngắm hoàng hôn và ăn tối.

Lala guna là một địa điểm lý tưởng cho cả nhóm hẹn hò nhau để ngắm hoàng hôn và ăn tối. Nơi đây thật đẹp và lãng mạn.

Lala guna

Nhà hàng ở bên cạnh bãi biển, đi qua một cầu rộng nối từ nhà hàng đến bãi biển rộng lớn, bọn mình ra ngắm hoàng hôn với mặt trời đỏ ối đang lặn dần, trời tối hẳn mới quay trở lại nhà hàng.

Lala guna là nhà hàng Tây Ban Nha, trong ngoài không gian ngoài trời rộng lớn. Lala guna đặc biệt đẹp khi lên đèn, sẽ thật không quá lời khi ví rằng ở nơi đây như trong chuyện cổ tích vậy.

Đúng là phải có lý do mấy đứa mới chọn ở khu vực này và chọn Lala guna để ngắm hoàng hôn.

Trong nhóm có Daman là trưởng nhóm thì đã rất có kinh nghiệm du lịch ở Bali, vì nó đến đây bao nhiêu lần để tổ chức các tiệc cưới xa xỉ của giới nhà giàu Ấn Độ. Ras và Morla thì là người dân địa phương ở đây.

Morla là một freelancer, một designer tài năng. Bạn ấy có một tài sản các bộ nhận diện thương hiệu, website và rất nhiều sản phẩm tuyệt với khác. Morla cũng là một tín đồ cafe. Bản thân Morla cũng sáng tạo một nhán cafe cho riêng mình, trước khi về, Morla chuẩn bị cho mỗi đứa một bịch cafe nhỏ làm quà. Morla rất hiếu khách và chu đáo. Bạn ấy ở luôn trong villa với bọn mình 3 hôm liền, vừa làm việc, vừa take care cả nhóm.

Chandra Villa ở cách Lala guna khoảng hơn 1km, lúc đi mấy đứa đi bộ, về thì cả nhóm bắt grab. Chandra villa rất xinh đẹp và đậm chất truyền thông Bali, từ cổng vào cho đến cách bài trí và kiến trúc của villa. Villa bao gồm khoảng 5 căn nhà nhỏ kiểu Indo. Mỗi một căn nhà có từ 2 đến 3 phòng ngủ, có khu vực nhà khách và bếp riêng. Villa có rất nhiều cây xanh, và một hồ bơi ngoài trời nhỏ xinh trong khu vườn xanh ấy.

Chandra villa

Có cảm giác như chúng mình sở hữu chính cả villa, lúc cả nhóm ở đây chỉ có những người giúp việc hàng ngày, chủ của villa đang đi vắng xa. Những người giúp việc ở đây rất thân thiện và hiền lành, có cảm giác như được ở nhà mình.

Nhớ những lúc cả nhóm về ngồi ở bậc thềm nhà, nói chuyện cho đến tận đêm khuya. Có những người bạn mình đã gặp, cũng có những người bạn lần đầu tiên, nhưng điểm chung là tất cả đều yêu du lịch, đều rộng mở, đều có hàng nghìn câu truyện để chia sẻ.

Ngày thứ 3: Thử thách với bộ môn rafting

Sáng nay được đón thêm Jullie, Jullie là người Indo, nhưng rất xa Bali, bạn ấy mới bay qua đây cùng chồng, nhưng Jullie sẽ tách gia đình và ở với chúng mình. Jullie thật rất dễ thương, bạn ấy chuẩn bị quà cho mọi người đặc biệt là một bộ quần áo truyền thống của Bali cho Wessim (nhóc nhà Sannae and Meher). Mình mang cho bạn ấy vỏ bánh đa nem vì bạn ấy muốn thử làm món cuốn kiểu Việt Nam.

Hôm nay bọn mình chia ra hai nhóm, nhóm 1 đi Tannah Lot, nhóm 2 đi Ubud chơi trò rafting.

Mình đi Tannah Lot rồi nên tất nhiên lựa chọn thứ 2 là Ubud. Ngay lúc đó cũng chưa hiểu trò rafting thực sự là như nào nhưng cũng thấy hơi run run. Kiểu trèo thuyền trên thác, mặc dù biết bơi nhưng vẫn không an tâm.

Bali hôm nay se lạnh, chơi trò rafting này cần chuẩn bị đồ để thay nữa, vì sẽ ướt hết quần áo.

Vì có Morla đi cùng nên bọn mình mua được vé với giá của người địa phương, 300 rupial tương ứng với khoảng gần 600 nghìn của mình.

Mỗi đứa được trang bị mũ bảo hiểm, áo phao bơi và một mái chèo.

Mua vé xong mấy đứa được xe di chuyển đến khu vực thác nước. Đi qua rừng Ubud rồi xuống rất sâu khe núi, sau khoảng 30′ đi bộ và xuống thác thì cũng nhìn thấy sông nước.

Hôm nay có mình, Thúy, Nadz, Iman, một thuyền cao su có khoảng 6 người và một người hướng dẫn viên.

Mỗi đứa đều có một mái chèo, chèo thác theo sự hướng dẫn của người hướng dẫn viên.

Lúc đầu mình thấy hơi sợ sợ nhưng cuối cùng lại rất thích trò này, mặc dù có lần trôi thác mình suýt nữa thì bị bắn ra khỏi thuyền.

Nước sông rất lạnh, và trong suốt.

Bọn mình chèo dọc theo lòng sông, với nhiều thác ghềnh và độ dốc lớn, tổng độ dài của đoạn chèo thuyền này là 10km.

Cảnh tượng rừng núi Ubud dọc bờ sông thực sự rất hùng vì và ấn tượng, thỉnh thoảng có những tia nắng hiếm hoi trong ngày luồn lách qua rừng cây rậm rạp, làm ấm áp mấy đứa đang ướt nhẹp.

Có nhiều đoạn, trên sườn núi đá còn những hình chạm khắc như đã có từ hàng trăm năm trước, kể những câu chuyện tình yêu đã rêu phong. Cả nhóm chỉ biết lặng người ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên và lịch sử.

Ở khung cảnh này sao nhắc mình nhớ nhiều đến cảnh rừng ở Siêm Riệp với những đền đài trong hệ thống Angko.

Nước mát lạnh, nhiều đoạn xuống ghềnh, nước ào vào cả thuyền, làm mấy đứa ngã dúi dụi, xong lại phải trở lại tư thế để chèo tiếp qua thác. Hơn 3 tiếp liên tục, đứa nào cũng mệt mà vui vì đã hò hét hết cỡ.

Lên bờ một chút, nắng lên, vừa đi vừa hong quần áo và đầu tóc, cả nhóm lại di chuyển về khu vực ruộng bậc thang của Ubud. Cái này là thể theo mong muốn của mình. Ruộng bậc thang ở Ubud, Bali được Unessco xếp vào di tích cần bảo tồn của thế giới.

Việt Nam mình cũng có ruộng bậc thang mà ở Bali có những điểm rất khác biệt.

Khu vực ruộng bậc thang này nhỏ xinh thôi, xanh lắm mà lại có những hàng dừa điểm xuyết.

Ở Bali có một điểm lạ là có cả biển, có cả núi, ruộng lúa bậc thang.. cảm giác như tập hợp hết các vẻ đẹp của thiên nhiên vào một nơi ấy.

Khu vực ruộng bậc thang này mang đến cho du khách cảm giác nhẹ nhàng và bình yên. Mặc dù Bali đã bị thương mại hóa nhiều với tốc độ phát triển du lịch quá nhanh, nhưng hình ảnh những người nông dân Bali vẫn còn đó giữ lại một chút nhưng nét văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước nơi này.

Bọn mình rời Ubud khoảng 6h chiều, mà đến hơn 9h tối mới về được thành phố. Đường phố Bali lúc nào cũng vậy, không riêng gì ở trung tâm thành phố, mà ở ngoại thành đường phố cũng nhỏ bé, chật ních người.

Morla dẫn cả nhóm đến một nhà hàng với những món ăn truyền thống của người Indo. Đồ ăn rất ngon.

Lần này đi Bali về vấn đề đồ ăn mình có những ấn tượng khác hẳn với lần trước đi Medan. Có lẽ ở Bali là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa từ khắp các nước nên đồ ăn cũng đa dạng hơn.

11h mấy đứa còn lang thang đi ăn đêm để thử một món bánh tráng miệng đặc trưng của người Bali. Bánh mềm, làm bằng bột gạo, cùng thêm một số hương vị như chuối, socola và sợi dừa.

Ngày thứ 4. Dreamland

Hôm nay cả nhóm đi dreamland cái này cũng nằm trong kế hoạch có từ vài tháng trước của cả nhóm, mà chỗ nào mấy đứa chọn thì chắc sẽ phải có cả ngàn lý do theo kinh nghiệm của chúng nó.

Sáng mấy đứa lang thang uống cafe ăn sáng ở một nhà hàng nhỏ ở cạnh villa, nhà hàng ưa thích của cả nhóm cho buổi sáng.

Từ villa đến dreamland khoảng 2 tiếng đồng hồ di chuyển bằng car.

Bọn mình  tập trung ở khách sạn Dreamland, Ras làm việc ở đây, một khách sạn 5* ngay cạnh bờ biển dreamland.

Dùng bữa trưa ở nhà hàng với sự phục vụ tận tâm của bếp trưởng của khách sạn mà Ras giới thiệu với cả nhóm. Bên cạnh là hồ bơi xanh ngắt, bên cạnh là vách núi với sóng vỗ xa xa, chắc không thể có địa điểm lý tưởng hơn để cả nhóm tụ tập.

Ăn trưa tại Dreamland

 

 

 

Đến buổi chiều, bọn mình xuống biển chơi, hoàng hôn của gần xuống,

Sóng ở đây cao và rất mạnh, bãi biển dốc, mỗi lần có sóng đánh vào bờ như kéo người ta xuống thẳng biển sâu,

Bị một vài lần ngã dúi dụi nước biển, cát cuốn thẳng xuống biển, chưa có nơi nào sóng biển lại mạnh và dữ dội đến vậy, sau mấy lần bị uống nước và cuốn tròn trong nước biển, mình sợ luôn, chỉ dám ngồi trên bãi cát ngắm hoàng hôn đang xuống dần.

Hôm nay có mấy bạn lác đác về trước,

Cuộc vui cũng đến lúc tàn,

Gia đình Sanae và Meher di chuyển đến Ubud tiếp tục hành trình khám phá của mình,

Nad, Hannah, Iman bay về nước.

Thúy sáng hôm sau ra đảo,

Mình lại lại Villa, tự thuê xe máy và khám phá những khu vực xung quanh, không dám đi quá xa vì chiều phải ra sân bay sớm.

Lần này mình đi Bali có cảm giác hơi gấp gáp và ít sự chuẩn bị, đi đúng theo kế hoạch của các bạn đã lập sẵn nên không tự khám phá ra nhiều khu vực mới.

Hẹn gặp lại Bali vào một ngày gần nhất!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *