Viết về EDII

EDII là học viện phát triển doanh nhân Ấn Độ ở Ahmedabad, Gurajat. Học viện này nhỏ, chỉ đào tạo trình độ Thạc sỹ và các khóa ngắn hạn quốc tế. Cảm giác lần đầu tiên đến trường thật là thích.

Trường tuy nhỏ nhưng có đủ tất cả các phòng ban như thư viện, phòng máy tính, lớp học, phòng họp, hội trường, phòng tập gym, khu campus cho sinh viên… Tất cả kiến trúc ở đây đều được xây bằng tường gạch thô, không sơn trát. Các khu vực được bố trí theo khối vuông, ở giữa là sân trường, được trồng rất nhiều hoa và cỏ xanh được chăm sóc kỹ lưỡng, đây là nơi sinh hoạt chung của tất cả sinh viên trong trường. Sáng nào bọn mình cũng chạy ra đây tập thể dục, chiều về thì ngồi lê xung quanh sân, có vài nhóm thì ngồi học bài giữa sân. Trường có rất nhiều hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên, lúc chúng mình đến là có welcome party cho sinh viên mới, cả sân trường sẽ được bố trí làm tiệc buffe, còn có sân khấu và ca nhạc do các bạn sinh viên chuẩn bị. Từ lúc đó đến khi kết thúc khóa học còn một vài lần tổ chức tiệc toàn trường như vậy nữa. Bằng cách này chúng mình làm quen với nhau rất nhanh, các bạn sinh viên Ấn Độ cũng rất dễ mến và thân thiện. Trường nhỏ nên mỗi năm chỉ có dưới 200 sinh viên học Thạc sỹ. Số người ít nên bọn mình nhanh chóng quen hết mặt nhau.

 

Có một đặc điểm ở EDII hay như tất cả các nơi ở Ấn Độ mà mình đặc biệt thích đó là thiên nhiên. Người Ấn rất yêu quý động vật và sống chung với chúng như là một phần trong cuộc sống. Trường học của mình thì đủ các loại động, thực vật, y hệt như một vườn bách thú. Các loại chim chóc, sóc, khỉ, chim công.. đi lại tự do xung quanh chạy nhảy vù vù giữa các ngọn cây. Chim công thỉnh thoảng khoe sắc với cái đuôi đủ sắc màu, mấy chú sóc thì chạy nhảy loạn xị ngay cái cây ở phòng ở mình nhìn ra. Chiều chiều lại nghe bản hòa ca của đủ các loại chim chóc. Nếu ra ngoài đường phố lớn của Ấn Độ các bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những chú voi đi lại thong dong, hay những chú lạc đà cao lớn đang thồ hàng.

Mọi thứ diễn ra thật tự nhiên!

Thời gian ở EDII cũng là khoảng thời gian mình được chứng kiến nhiều lễ hội lớn của Ấn Độ, điển hình nhất là lễ hội sắc màu Holi, người dân thường dùng bột màu ném vào nhau, thể hiện sự tự do và không phân biệt giai cấp.

Về trang phục của người Ấn Độ, đối với phụ nữ, ngoài bộ sarree truyền thống còn có trang phục gọn gàng hơn. Như cô giáo mình, rất nhiều saree, lúc nào đến lớp cô cũng vắt ngang qua cổ một cái khăn nhẹ, vừa là vật trang điểm cho trang phục, vừa để khi đi ra ngoài nắng có thể che mặt.

Phụ nữ Ấn Độ cũng rất thích vẽ tay với nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau. Lúc đầu mới đến, mình chưa thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và tính nghệ thuật của phong tục này, không thể hiểu lý do tại sao người ta lại làm thế. Hỏi Gaurav thì Gaurav bảo đó là vì fashion, con trai Ấn Độ cũng thỉnh thoảng vẽ tay như vậy. Sau này qua một thời gian ở Ấn Độ, hiểu hơn một chút về con người và vùng đất này mới cảm nhận được vẻ đẹp của nó, lúc đó thì như có cảm giác bị nghiện luôn. Sau này đi đến bất kỳ quốc gia nào có cộng đồng người Ấn, mình cũng phải cố vẽ tay bằng được.

Trong khóa học của bọn mình có 1/2 thời gian học ở trường, còn lại 1/2 thời gian là bọn mình được đi học thực tế qua những chuyến đi qua khắp các vùng miền của Ấn Độ. Khoảng thời gian này tuy vất vả nhưng thú vị nhất, được đi qua rất nhiều những địa danh nổi tiếng trong bản đồ du lịch của Ấn Độ như, Udaipur – thành phố của những hồ nước, Jaipur – thành phố hồng xinh đẹp, Agra – nổi tiếng với kỳ quan thế giới Taj mahal, Amount Abu – thành  phố trên đồi cao với khí hậu mát lạnh quanh năm.

Sau thời gian đi thực tế chúng mình trở về trường, lần này hành trang trong mỗi đứa là tình cảm dạt dào về đất nước và con người Ấn Độ. 2 tháng là quãng thời gian không dài nhưng chúng mình cũng có cơ hội được hiểu hơn về nền văn hóa cực kỳ đặc sắc và không thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào trên thế giới của Ấn Độ. Lúc phải chia tay đứa nào cũng rơm rớm nước mắt, vừa không muốn chia tay bạn học, vừa không muốn chia tay EDI, vừa không muốn phải rời xa Ấn Độ.

Biết khi nào chúng mình còn có thể gặp lại?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *